Với sự hồi phục mạnh mẽ của cổ phiếu từ đáy, chỉ trong thời gian ngắn, Việt Nam chứng kiến sự trở lại của 2 tỷ phú USD: ông chủ Hòa Phát - Trần Đình Long và “đại gia nước mắm” - Nguyễn Đăng Quang.
Cổ phiếu HPG của Tập đoàn trong phiên hôm qua là mã duy nhất trong rổ VN30-Index tăng giá và cũng là mã có đóng góp đáng kể nhất cho VN-Index.
Hiện tại, với thị giá 27.250 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu HPG đã tăng tới 68,2% so với mức đáy 16.200 đồng thiết lập hồi cuối tháng 3 vừa qua. Nhờ đó, giá trị tài sản của ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Hòa Phát cũng đã “hồi sinh” mạnh mẽ.
Cập nhật của tạp chí xếp hạng Forbes (Mỹ) theo khung thời gian thực cho thấy, mặc dù không còn nằm trong danh sách những người giàu nhất thế giới năm 2020, song giá trị tài sản của ông Trần Đình Long hiện đã quay về mốc 1 tỷ USD (tăng 28 triệu USD trong 1 ngày).
Tương tự, cổ phiếu MSN của tập đoàn Masan Group dù hôm qua đã điều chỉnh giảm 2,82% còn 62.000 đồng nhưng cũng đã ghi nhận phục hồi 26,5% từ đáy. Nhờ đó, tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Hội đồng quản trị Masan Group cũng đạt 1 tỷ USD.
Như vậy, tuy trong danh sách chính thức năm 2020 của Forbes, Việt Nam chỉ có 4 tỷ phú USD, nhưng thực tế, tại thời điểm hiện tại, Việt Nam có 6 tỷ phú USD.
Trong đó, ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch Vingroup) vẫn là người giàu nhất với khối tài sản sở hữu đạt 6 tỷ USD. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo (CEO Vietjet Air) có 2,3 tỷ USD. Ông Trần Bá Dương và gia đình (Chủ tịch Thaco - Trường Hải) sở hữu 1,5 tỷ USD. Ông Hồ Hùng Anh (Chủ tịch Techcombank) sở hữu 1,2 tỷ USD. Ông Nguyễn Đăng Quang và ông Trần Đình Long, mỗi người có 1 tỷ USD.
Không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích, trong phiên cuối tuần (22/5), chỉ số VN-Index đã gặp khó. Đặc biệt, trong phiên chiều, với áp lực chốt lời lên cao nhằm bảo toàn thành quả đạt được, VN-Index mất 9,99 điểm tương ứng 1,16% còn 852,74 điểm.
HNX-Index đóng cửa với mức tăng 1,3 điểm tương ứng 1,23% lên 107,04 điểm trong khi UPCoM-Index lại giảm nhẹ 0,07 điểm tương ứng 0,13% còn 54,24 điểm.
Thanh khoản khá tốt khi vẫn có dòng tiền tranh thủ đổ vào giải ngân mua cổ phiếu. HSX ghi nhận 303,97 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng giá trị giao dịch 5.283,94 tỷ đồng. HNX cũng thu hút được 702,37 tỷ đồng với 66,98 triệu cổ phiếu giao dịch và UPCoM có 22,7 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 219,37 tỷ đồng.
Bức tranh thị trường thiên về sắc đỏ. Thống kê cho thấy, cả 3 sàn giao dịch có 442 mã giảm giá, 61 mã giảm sàn, áp đảo so với 299 mã tăng và 70 mã tăng trần.
Hoạt động chốt lời hàng loạt tại nhóm cổ phiếu lớn đã ảnh hưởng đáng kể lên bức tranh thị trường. Trong rổ VN30, có tới 29 mã giảm, duy nhất HPG tăng giá và theo đó, VN30-Index mất 12,41 điểm tương ứng 1,52%.
VIC giảm 1.600 đồng, VHM giảm 1.500 đồng, MSN giảm 1.800 đồng, GAS giảm 1.100 đồng, VJC giảm 1.000 đồng, BVH, TCB, PLX, VNM, VPB, VRE, BID đều mất giá.
Với tình trạng này, VIC và VHM là hai mã gây thiệt hại nặng nhất cho VN-Index. VIC kéo chỉ số giảm 1,54 điểm và thiệt hại do VHM là 1,43 điểm. Trong khi đó, sức kéo từ HPG chỉ là 0,59 điểm.
Trên HNX, sở dĩ chỉ số vẫn tăng là nhờ cú đảo chiều của SHB. Mã này tăng trần đã kéo chỉ số HNX-Index tăng 1,79 điểm, “cân” toàn bộ cổ phiếu trên sàn Hà Nội.
Theo nhận xét của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường chứng khoán đã chìm vào sắc đỏ của phiên cuối tuần mặc dù trước đó thị trường đã có ngày rất hào hứng.
VDSC cho rằng, xu hướng của thị trường hiện tại đang đi vào giai đoạn khó khăn và sự lựa chọn cổ phiếu để tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn đang dần co hẹp lại. Do vậy, các nhà đầu tư được lưu ý cần thận trọng trong thời điểm này và cố gắng hạn chế giải ngân khi chưa có tín hiệu tốt của thị trường.